Theo luật sư Kiều Anh Vũ – Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, quy định mới của Điều 292 Bộ luật Hình sự chỉ là “bình mới rượu cũ” và cho thấy vẫn duy trì việc “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, quan hệ hành chính.

 

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Bộ Tư pháp, Điều 292 – “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” của Bộ luật này không được bỏ như đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, mà chỉ có sự điều chỉnh ở một vài điểm.

Bình mới rượu cũ!

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ – Văn phòng luật sư Lê Nguyễn cho biết, về dự thảo Điều 292 Bộ luật Hình sự sửa đổi, Ban soạn thảo cũng đã có sự điều chỉnh nhất định, cho thấy có ghi nhận và quan tâm đến ý kiến đóng góp, kiến nghị của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan. Tuy vậy, nội dung sửa đổi thật sự không đáng kể và không làm thay đổi bản chất của vấn đề.

“Nội dung Điều 292 sửa đổi thực chất chỉ là sự “xáo trộn” nội dung, thay đổi cách hành văn chứ không thay đổi triệt để bản chất của điều luật, vẫn là “rượu” cũ và bình chỉ hơi mới mà thôi” – ông Vũ nói.

Nói rõ hơn, ông Vũ cho rằng đối với việc mô tả hành vi, dự thảo sửa đổi thay nội dung cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông “không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng” bằng nội dung “chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng”.

Do đó, quy định này của dự thảo đã bỏ yếu tố “doanh thu” nhưng vẫn giữ yếu tố “thu lợi bất chính” với mức định lượng cao hơn. Tuy nhiên, quy định này cũng là một vòng lẩn quẩn, vì “thu lợi bất chính” đương nhiên là hoạt động bất hợp pháp nên bất kỳ hoạt động cung cấp dịch vụ nào được liệt kê tại Điều luật này mà chưa được phép thì gần như sẽ gắn liền với “thu lợi bất chính” và chỉ cần thỏa mãn yếu tố định lượng thì sẽ dễ “dính” điều luật này.

Ông Vũ cũng cho rằng, vấn đề “thu lợi bất chính” là gì, được xác định trên căn cứ nào cũng chưa được quy định rõ. “Lợi” ở đây là “lợi nhuận” hay là “doanh thu bất hợp pháp”, nếu là lợi nhuận thì là lợi nhuận gì, lợi nhuận gộp, lợi nhuận ròng hay lợi nhuận thuần? Nhà nước có tính thuế trước rồi mới tính “lợi nhuận bất chính” (“thu lợi bất chính”) không (trong khi nguyên tắc của pháp luật thuế là chỉ thu thuế đối với hoạt động hợp pháp).

Bên cạnh đó, theo ông Vũ, cụm từ “chưa được phép” thay cho cụm từ “không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép” còn mở rộng và bao trùm hơn so với quy định cũ; “chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” có thể hiểu là chưa được sự đồng ý, phê quyệt, cho phép chứ không còn hiểu trong phạm vi hẹp là “giấy phép” như quy định cũ.

Tuy nhiên, vị luật sư cho rằng, xét tổng thể nội dung điều luật, nếu vẫn duy trì quy định này và với các lĩnh vực kinh doanh, cung cấp dịch vụ được nêu từ điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều này thì cụm từ “chưa được phép” có sự thống nhất hơn so với quy định cũ.

“Đối với các lĩnh vực kinh doanh cụ thể từ điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều 292 sửa đổi, chỉ bổ sung điểm a khoản 1 từ “kinh doanh vàng trên tài khoản” thành “kinh doanh vàng miếng trên tài khoản” và không sửa đổi hay bãi bỏ các lĩnh vực kinh doanh còn lại. Quy định này cho thấy vẫn duy trì việc “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, quan hệ hành chính (đăng ký kinh doanh, “xin phép” cung cấp dịch vụ)” – ông Vũ nói.

Cần sớm có sự hướng dẫn chi tiết

Theo ông Kiều Anh Vũ, việc kinh doanh, cung cấp dịch vụ đương nhiên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định và phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh nếu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; nhưng hình sự hóa lại là một vấn đề khác và cần phải được cân nhắc, đánh giá tác động của Điều luật đối với xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp.

“Nếu có thể xử lý bằng chế tài hành chính như xử phạt thật nặng, buộc chấm dứt hành vi vi phạm, hoặc nếu có hành vi thông qua việc cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà dẫn đến hành vi phạm tội thuộc các Điều luật khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông… thì đã có chế tài xử lý, liệu rằng có nên tiếp tục quy định bổ sung như quy định tại Điều 292 hay không?” – ông Vũ nêu hỏi.

Cũng theo vị luật sư này, nếu đã có chế tài đủ mạnh để xử lý hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật thì không cần thiết phải bổ sung Điều 292 vì vừa thừa vừa gây tâm lý hoang mang, không đạt được sự đồng thuận của doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp và có thể dễ dẫn đến những hệ lụy, hệ quả không đáng có.

“Nếu Điều luật này vẫn được duy trì và thông qua (bỏ quy định tại điểm e khoản 1) thì cơ quan có thẩm quyền phải sớm có sự hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể về việc áp dụng điều luật để tránh dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, hiểu nhầm, hiểu sai hoặc có những sai sót từ “khâu đánh máy” trong việc áp dụng Điều luật này” – ông Vũ nhấn mạnh.

Trước đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015.

VINASA nêu rõ 9 điểm mâu thuẫn và bất hợp lý của Điều 292 gồm: hình sự hóa hoạt động kinh doanh trái phép, đồng thời với hình sự hóa hoạt động kinh doanh trên mạng; vi phạm quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp 2013 qui định; trái với đường lối, chủ trương phát triển kinh tế được thể hiện trong Hiến pháp 2013, điều 51, khoản 3; đi ngược lại với quan điểm chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT.

VINASA cho rằng Điều 292 sẽ đưa đến hàng loạt hệ lụy khác như: ảnh hưởng xấu đến hình ảnh môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ CNTT; làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế so với các quốc gia khác trong khu vực; có nguy cơ gây bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập trong cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP; chảy máu chất xám, gây hoang mang cho doanh nghiệp…

VCCI cũng phân tích, Điều 292 đã hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, ví dụ như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép. Thực tế, điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các startup.

Trí Lâm  

Nguồn: www.mottthegioi.vn