Công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam
Công văn hướng dẫn về điều kiện cho phép nhập khẩu phế liệu, cách khai báo hải quan, kiểm tra thực tế và hình thức xử lý đối với phế liệu không được phép nhập khẩu.
Theo đó, mọi chất thải, phế liệu thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt đều bị cấm nhập khẩu, cấm quá cảnh dưới mọi hình thức, chỉ trừ phế liệu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây mới được nhập khẩu:
(i) Thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng ban hành (hiện nay là Quyết định 73/2014/QĐ-TTg).
(ii) Đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với loại phế liệu đó (hiện nay mới chỉ có quy chuẩn về 3 loại phế liệu gồm giấy, sắt thép và nhựa, Thông tư 43/2010/TT-BTC).
(iii) Được nhập khẩu bởi doanh nghiệp có giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và trong hạn mức nhập khẩu.
Ngoài ra, để đủ cơ sở thông quan, khi khai báo trên manifest, doanh nghiệp bắt buộc phải khai đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp (gồm tên, MST, địa chỉ, số giấy xác nhận…) và về hàng hóa nhập khẩu (loại phế liệu, mã HS tối thiểu 4 số…). Nếu khai chung chung (như hàng bách hóa hoặc các tên tiếng anh như general cargo, freight of all kinds, FAK, said to contain, STC…) thì lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu cho đến khi khai bổ sung đủ thông tin.
Về giám sát hải quan, tất cả các lô hàng phế liệu nhập khẩu đều sẽ bị kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc kiểm tra thực tế bắt buộc phải thực hiện ngay tại cửa khẩu và có camera giám sát.
Cần lưu ý, đối với hàng đã qua sử dụng, không khai báo là phế liệu nhưng có đặc trưng cơ bản của phế liệu (ví dụ như: USED woven jumbo bags, USED pe film, USED tyre…) cũng phải đáp ứng các điều kiện nhập khẩu và bị giám sát hải quan như phế liệu nhập khẩu.
Công văn này thay thế công văn số 8154/TCHQ-GSQL ngày 08/9/2015, công văn số 2443/TCHQ-GSQL ngày 07/5/2018 và công văn số 3738/TCHQ-GSQL ngày 26/6/2018./.