Công văn số 36596/CT-HTr ngày 1/6/2016 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc cung cấp thông tin người nộp thuế (2 trang)
Doanh nghiệp không được phép yêu cầu cơ quan Thuế cho xem Báo cáo tài chính của đối tác hoặc con nợ.
Văn bản từ chối đề nghị của Công ty Luật TNHH Hà Việt (được Công ty TNHH Nasteel Vina ủy quyền trong việc thu hồi nợ) xin Cục thuế TP. Hà Nội cung cấp thông tin về báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư phát triển Sóc Sơn (con nợ).
Theo quy định tại Điều 73 Luật Quản lý thuế 78/2006/QH11, cơ quan Thuế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người nộp thuế và chỉ thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan điều tra, Viện kiểm soát, Tòa án, cơ quan thanh tra, …) Do đó, cơ quan Thuế không thể cung cấp thông tin của con nợ theo yêu cầu của doanh nghiệp, kể cả Công ty Luật.
Trường hợp muốn có thông tin để đảm bảo quyền lợi trong tố tụng, doanh nghiệp hoặc Công ty Luật có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ từ các cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng từ theo đúng trình tự tố tụng dân sự quy định tại Điều 94 Luật số 65/2011/QH12.
2. Xác định thuế nhà thầu đối với phí bảo lãnh tiền vay như thế nào?
Công văn số 2510/TCT-CS ngày 7/6/2016 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế đối với Nhà thầu nước ngoài (3 trang)
Phí bảo lãnh vay vốn nước ngoài nếu tách riêng khỏi hợp đồng vay và không do ngân hàng bảo lãnh phải chịu thêm khoản thuế GTGT 10% khi tính thuế nhà thầu.
Văn bản hướng dẫn về nguyên tắc xác định thuế nhà thầu (gồm thuế GTGT và thuế TNDN) đối với khoản phí bảo lãnh tiền vay gắn liền với việc vay vốn của nước ngoài.
Theo Tổng cục Thuế, khoản phí bảo lãnh nếu được quy định chung tại Hợp đồng vay vốn thì khoản phí này được tính gộp trong lãi tiền vay, chỉ bị tính thuế TNDN và miễn tính thuế GTGT khi xác định thuế nhà thầu.
Nếu khoản phí bảo lãnh được tách làm một Hợp đồng bảo lãnh riêng thì việc xác định có hay không chịu thuế GTGT khi tính thuế nhà thầu cần xác định bên bảo lãnh (tại Việt Nam) là tổ chức tín dụng hay doanh nghiệp.
Mặc dù quy định về thuế GTGT tại Thông tư 219/2013/TT-BTC cho phép miễn tính thuế GTGT đối với dịch vụ bảo lãnh, nhưng Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 28/2012/TT-NHNNstatus1 quy định “Bên bảo lãnh” phải là tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do đó, nếu “Bên bảo lãnh” trong hợp đồng bảo lãnh đề cập ở trên không phải là tổ chức tín dụng hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì khoản phí bảo lãnh theo hợp đồng bảo lãnh đó phải chịu thuế GTGT khi xác định thuế nhà thầu.
3. Về việc ủy quyền quyết toán và bù trừ thuế TNCN
Công văn số 2569/TCT-TNCN ngày 10/6/2016 của Tổng cục Thuế về quyết toán thuế TNCN năm 2015 đối với tổ chức trả thu nhập (3 trang)
Số thuế TNCN phát sinh thừa sau quyết toán chỉ được bù trừ trong cùng một mã số thuế của doanh nghiệp nhận quyết toán thay.
Văn bản trả lời vướng mắc về việc ủy quyền quyết toán và bù trừ thuế TNCN liên quan đến người lao động điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Theo Tổng cục Thuế, mặc dù từ năm 2015, khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC và điểm 1 Mục II Công văn 801/TCT-TNCN ngày 2/3/2016 cho phép doanh nghiệp được nhận ủy quyền quyết toán thay thuế TNCN cho người lao động điều chuyển do tổ chức lại doanh nghiệp và điều chuyển giữa các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn/hệ thống. Trong đó, thu nhập được ủy quyền quyết toán bao gồm cả thu nhập phát sinh tại đơn vị cũ.
Tuy nhiên, khi thực hiện bù trừ giữa số thuế nộp thừa với số thuế còn phải nộp của các cá nhân ủy quyền, doanh nghiệp chỉ được thực hiện bù trừ cho nghĩa vụ thuế phát sinh trong cùng một MST của một tổ chức trả thu nhập, không được bù trừ cho nghĩa vụ thuế phát sinh với MST của tổ chức trả thu nhập khác.