(TBKTSG) – Ngoài nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử và ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của công ty các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây theo quy định tại khoản 1, điều 109 của Luật Doanh nghiệp (LDN):

a) Tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong tỏa hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa;

b) Tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến kinh doanh của công ty;

c) Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc bất kỳ giấy phép, giấy chứng nhận khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;

d) Thay đổi người quản lý công ty, gồm thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, giám đốc, phó giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, trưởng phòng tài chính kế toán;

đ) Có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của tòa án đối với một trong số các người quản lý doanh nghiệp;

e) Có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc của cơ quan quản lý thuế về việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp;

g) Có quyết định thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập, hoặc bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính;

h) Có quyết định thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty con; quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.

Mặc dù có tám nhóm sự kiện phải công bố thông tin bất thường như nêu trên và khoản 2, điều 109 LDN quy định rõ “Chính phủ quy định chi tiết điều này” nhưng Nghị định 81/2015/NĐ-CP chỉ dành vỏn vẹn hai điều luật để hướng dẫn thi hành, trong đó điều 20 dẫn chiếu lại quy định tại khoản 1 điều 109 LDN mà không có hướng dẫn gì thêm và điều 21 quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm công bố thông tin bất thường. Khác hẳn với trường hợp công bố thông tin định kỳ, Nghị định 81/2015/NĐ-CP không có bất kỳ phụ lục nào quy định về biểu mẫu công bố thông tin bất thường của DNNN.

Căn cứ vào quy định tại khoản 1, điều 109 LDN, khi xảy ra sự kiện thì phải công bố thông tin nhưng những thông tin nào cần phải công bố là vấn đề chưa được quy định rõ ràng và đây là kẽ hở trong việc công bố thông tin bất thường của DNNN. Và khi đã không có quy định rõ ràng thì dễ dẫn đến những cách hiểu, lý giải khác nhau và thực thi khác nhau. Chẳng hạn, đối với sự kiện tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong tỏa thì cần công bố những thông tin gì? Có cần phải công bố số tài khoản, ngân hàng nào phong tỏa hay không? Hay trường hợp có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của tòa án đối với một trong số các người quản lý doanh nghiệp thì có cần công bố chính xác người bị xử lý là ai hay không, có phải công bố toàn văn quyết định hay nội dung chủ yếu của quyết định hay không, nội dung xử lý là gì?… Những vấn đề này hoàn toàn đang bị bỏ ngỏ.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn