Luật số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về Luật Kinh doanh bảo hiểm (71 trang)

Luật này thay mới toàn bộ quy định về điều kiện thành lập công ty bảo hiểm, chi nhánh công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, phạm vi kinh doanh bảo hiểm, các loại hợp đồng bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm….

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật này là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn góp đến 100% trong các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm (Điều 68).

Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài nếu muốn góp vốn thành lập công ty bảo hiểm tại Việt Nam thì phải có tổng tài sản không thấp hơn 02 tỷ Đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ (khoản 1 Điều 65, khoản 1 Điều 66).

Đối với doanh nghiệp trong nước, nếu muốn góp vốn thành lập công ty bảo hiểm thì phải có tổng tài sản không thấp hơn 2.000 tỷ Đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ (khoản 2 Điều 65).

Cũng theo Luật mới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm: tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm được bổ sung vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 155).

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023. Riêng Khoản 3 Điều 86, khoản 4 và khoản 5 Điều 94, Điều 95, khoản 3 và khoản 4 Điều 99, các Điều 109, 110, 111, 112, 113, 114 và 116 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2028.

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi theo Luật số 61/2010/QH12  và Luật số 42/2019/QH14) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp sau đây:

a) Khoản 1 Điều 157 của Luật này;

b) Các điều 77, 78, 79, 80, 81, 83, 94 và 98 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2027.

Tải Luật tại đây