Đối với xe ô tô nhập khẩu theo diện “tài sản di chuyển”, thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Thông tư 143/2015/TT-BTC về nhập khẩu ô tô không nhằm mục đích thương mại.
Theo đó, để nhập khẩu ô tô theo diện “tài sản di chuyển” thì phải tiến hành hai thủ tục: thủ tục cấp phép nhập khẩu xe ô tô và thủ tục nhập khẩu xe ô tô.
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 143/2015/TT-BTC thì thủ tục cấp phép nhập khẩu xe ô tônhư sau:
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu
a) Văn bản đề nghị nhập khẩu xe ô tô có xác nhận của cơ quan chủ quản về thân phận của người đề nghị (đối với đối tượng nêu tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này) hoặc có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức về các thông tin trong văn bản đề nghị (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này là cơ quan, tổ chức) hoặc có xác nhận về địa chỉ thường trú của Công an xã, phường, thị trấn (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này là cá nhân) trong đó ghi rõ nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe và số km đã chạy được (đối với xe ô tô đã qua sử dụng): 01 bản chính;
b) Hộ chiếu (đối với cá nhân quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này); Hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép thành lập văn phòng (đối với tổ chức Việt Nam, nước ngoài quy định tại khoản 3, 4 Điều 2 Thông tư này); Hoặc Sổ hộ khẩu (đối với cá nhân Việt Nam quy định tại khoản 4 Thông tư này): 01 bản chụp;
c) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
d) Giấy tờ khác liên quan đến xe ô tô nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng như: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe ở nước ngoài hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy chứng nhận lưu hành xe hoặc giấy hủy đăng ký lưu hành xe: 01 bản dịch tiếng Việt có chứng thực từ bản chính;
đ) Quyết định hoặc thư mời của cơ quan Nhà nước mời (đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này): 01 bản chụp;
e) Văn bản xác nhận chuyên gia nước ngoài của cơ quan chủ quản dự án (đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này): 01 bản chính;
g) Văn bản xác nhận thời hạn công tác, làm việc, làm chuyên gia của cơ quan chủ quản (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này) được cử đi công tác, làm việc tại nước ngoài: 01 bản chính;
h) Văn bản thông báo hoặc xác nhận hoặc thỏa thuận cho, tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài: 01 bản dịch tiếng Việt có chứng thực từ bản chính (đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này nhận quà cho, tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài).
2. Trình tự thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô
a) Trách nhiệm của đối tượng đề nghị cấp giấy phép tạm nhập khẩu xe ô tô:
a.1) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
a.2) Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi đối tượng cư trú trong thời gian làm việc tại Việt Nam (đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này) hoặc nơi cơ quan đóng trụ sở (đối với đối tượng là tổ chức quy định tại khoản 3, 4 Điều 2 Thông tư này). Trường hợp trên địa bàn tỉnh, thành phố không có tổ chức Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì đối tượng đề nghị cấp giấy phép nộp hồ sơ tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý địa bàn tỉnh, thành phố đó.
b) Trách nhiệm của Cục Hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô:
b.1) Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của đối tượng đề nghị cấp giấy phép, thực hiện kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, lập phiếu tiếp nhận và giao cho đối tượng đề nghị cấp giấy phép giữ 01 phiếu. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì trả hồ sơ và hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
b.2) Đối với các hồ sơ đã tiếp nhận, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra các chứng từ, đối chiếu với các quy định hiện hành liên quan đến từng đối tượng. Trường hợp hợp lệ, thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô theo quy định. Trường hợp không hợp lệ, từ chối cấp thì có văn bản nêu rõ lý do, đồng thời thông báo cho Hải quan cửa khẩu nơi nhập xe để giám sát và xử lý theo quy định.
b.3) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện việc cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô. Giấy phép nhập khẩu xe có giá trị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp.
b.4) Mỗi xe ô tô cấp 01 bộ giấy phép gồm 03 bản (theo mẫu số GP/2014/NK/TNK OTO/GM-KNMĐTM ban hành kèm theo Thông tư này), 02 bản giao cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe để làm thủ tục nhập khẩu, 01 bản lưu hồ sơ.
Thủ tục nhập khẩu xe ô tô là “tài sản di chuyển” được quy định như sau:
1. Hồ sơ nhập khẩu
a) Giấy phép nhập khẩu xe ô tô: 02 bản chính.
b) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
c) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;
đ) Giấy ủy quyền của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.
2. Trình tự thủ tục nhập khẩu
a) Địa điểm làm thủ tục
Thủ tục nhập khẩu xe ô tô thực hiện tại Chi cục Hải quan theo quy định của pháp luật.
b) Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu thông tin trên giấy phép với thực tế hàng hóa. Trường hợp hàng hóa thực nhập có sai lệch với nội dung ghi trên giấy phép (trừ trường hợp sai lệch về số lượng xe), Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục nhập khẩu có văn bản gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép (kèm các chứng từ liên quan). Căn cứ văn bản của Cục Hải quan nơi cấp giấy phép xem xét để điều chỉnh nội dung giấy phép, thời hạn điều chỉnh nội dung giấy phép không quá 5 ngày kể từ ngày Cục Hải quan tỉnh, thành phố nhận được đầy đủ thông tin, hồ sơ.
c) Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe ô tô) của cơ quan kiểm tra chất lượng và không cấp tờ khai nguồn gốc đối với xe ô tô, nhập khẩu.
d) Kết thúc thủ tục thông quan đối với xe ô tô, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu trả cho người nhập khẩu:
d.1) 01 giấy phép nhập khẩu (có xác nhận kết quả làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu xe);
d.2) 01 tờ khai nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan (đối với trường hợp thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy) hoặc 01 tờ khai in từ hệ thống (đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử) có xác nhận, đóng dấu đã hoàn thành thủ tục hải quan của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để làm các thủ tục đăng ký lưu hành xe theo quy định;
d.3) Trường hợp thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy và cơ quan Hải quan chưa tra cứu được tờ khai nhập khẩu trên hệ thống thì trả thêm cho người nhập khẩu 01 bản sao tờ khai có xác nhận của Chi cục Hải quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu và đóng dấu “dùng cho tái xuất hoặc chuyển nhượng”;
d.4) 01 bản sao phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
đ) Chi cục làm thủ tục nhập khẩu xác nhận và sao gửi tờ khai hàng hóa nhập khẩu cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thủ tục thông quan để theo dõi và cập nhật đầy đủ dữ liệu thông tin về tờ khai nhập khẩu xe ô tô.
Trên đây là hướng dẫn thủ tục nhập khẩu xe ô tô là “tài sản di chuyển”, nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ Lê Nguyễn để được hỗ trợ tốt nhất/.