Đối với nợ khó đòi doanh nghiệp có thể giải quyết theo trình tự sau:
- Xác minh các khoản nợ
– Xem xét, đối chiếu lại toàn bộ chứng từ nợ của doanh nghiệp, để từ đó xác định khoản nợ có căn cứ hay không;
– Xác minh bên nợ có còn tồn tại trên thực tế hay không. (Nếu người nợ là cá nhân thì người đó còn sống hay đã chết, địa chỉ thường trú hoặc tạm trú. . . Nếu là doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó có còn hoạt động hay đã ngưng hoạt động, đã giải thể hay đã bị phá sản, trụ sở ở đâu).
– Xác minh về khả năng thanh toán nợ của bên nợ.
Phải xác minh đầy đủ 03 điều kiện trên đều có căn cứ, thì mới có thể tiếp tục thực hiện thương lượng thanh toán nợ.
- Thương lượng thanh toán nợ
Doanh nghiệp có thể gửi công văn cho bên nợ hoặc họp trực tiếp với bên nợ để yêu cầu thanh toán nợ. Nếu bên nợ đồng ý thanh toán thì các bên thống nhất phương án thanh toán nợ.
Ngược lại nếu bên nợ không thiện chí hợp tác. Thì doanh nghiệp có thể tiến hành thủ tục khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để thu hồi nợ.
- Khởi kiện thu hồi nợ
– Thứ nhất, thời hiệu khởi kiện là vấn đề quan trọng nhất để xem xét thủ tục khởi kiện có thể thực hiện được hay không.
Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời khởi kiện về hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
“Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Nhưng nếu thời hạn khởi kiện đã hết thì doanh nghiệp có thể xác lập lại thời kiện theo các cách quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 157. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.”
– Thứ hai, xác định thẩm quyền tòa án giải quyết
Căn cứ các Điều 35, 37, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu khởi kiện thu hồi nợ của doanh nghiệp. Theo đó Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú đối với cá nhân hay có trụ sở đối với tổ chức. Tuy nhiên, trong trường hợp bị đơn hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án cấp tỉnh.
– Thứ ba, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Giấy tờ tài liệu chứng minh khoản nợ;
- Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp của nguyên đơn;
- Chứng minh nhân dân của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ chứng minh thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
- Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn (hoặc xác định được là xác nhận về địa chỉ cư trú, làm việc cuối cùng).
Như vậy, thủ tục thu hồi nợ khó đòi gồm xác minh khoản nợ, thương lượng thanh toán nợ và thực hiện thủ tục khởi kiện. Trong đó cần chú ý nhất là thời hiệu khởi kiện và xác lập lại thời hiệu khởi kiện./.