Chúng tôi có nhu cầu nhập khẩu tủ lạnh âm sâu dùng để bảo quản mẫu trong phòng thí nghiệm. Tủ hoạt động bằng điện: 220-230/1/50, thang nhiệt độ: -10 độ C/+40 độ C, tủ kiểu đứng, dung tích 400 L.
Kính mong hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và mã Hs?
1. Về chính sách mặt hàng
* Trường hợp hàng hóa đã qua sử dụng
– Trường hợp tủ lạnh (có mã HS thuộc phân nhóm 84.18) thuộc Danh mục hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 thì không được nhập khẩu.
– Trường hợp tủ lạnh (có mã HS thuộc phân nhóm 84.18) không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu theo quy định trên thì khi nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 6 Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trường hợp đủ điều kiện nhập khẩu thì hồ sơ thủ tục thực hiện theo điều 7 Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN.
* Trường hợp hàng hoá mới 100%
– Tủ lạnh mới 100% không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Do đó công ty có thể nhập khẩu như hàng hoá thông thường. Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định tại điều 16 và điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015.
– Tủ lạnh và tủ mát thuộc Danh mục hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-BKHCN ngày 27/05/2015.
– Căn cứ khoản 1 Điều 1 Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện:
“Điều 1. Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu
1. Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình.”
Như vậy, mặt hàng tủ lạnh thuộc diện phải phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
2. Về mã HS
– Căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Cục Kiểm định Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Cục Kiểm định Hải quan xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
– Do công ty không cung cấp tài liệu kỹ thuật, catalogue, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên.
– Căn cứ Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016, mặt hàng của công ty có thể tham khảo các phân nhóm sau:
+ Phân nhóm 84.18: Tủ lạnh, tủ kết đông và thiết bị làm lạnh hoặc kết đông khác, loại dùng điện hoặc loại khác; bơm nhiệt trừ máy điều hòa không khí thuộc nhóm 84.15.
– Khi phân loại hàng hóa cần tham khảo các quy định sau:
+ Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.
+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.
– Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể./.