Cá nhân không cư trú vẫn phải chịu thuế chuyển nhượng vốn tại Việt Nam
Công văn số 45684/CT-HTr ngày 8/7/2016 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế (4 trang)
Theo quy định tại Điều 20 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân không cư trú nếu có phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp ở Việt Nam thì phải nộp thuế TNCN, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.
Theo đó, trường hợp Công ty có các nhà đầu tư là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn góp thì phải nộp thuế TNCN, cho dù việc chuyển nhượng được thực hiện ở nước ngoài.
Thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú được tính theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng.
Về nguyên tắc, bên nhận chuyển nhượng vốn góp có trách nhiệm khai nộp thuế thay cho cá nhân không cư trú. Tuy nhiên, trường hợp đến thời điểm làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn mà vẫn chưa có chứng từ nộp thuế thì doanh nghiệp nơi phát sinh chuyển nhượng vốn phải kê khai nộp thay thuế.
Hồ sơ khai nộp thuế chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú là Tờ khai mẫu số 06/TNCN ban hành kèm Thông tư 92/2015/TT-BTC (nếu bên nhận chuyển nhượng khai thuế) hoặc theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC (nếu doanh nghiệp nơi có phần vốn chuyển nhượng nộp thay).
2. Dự án sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được miễn thuế TNDN 4 năm
Công văn số 45481/CT-HTr ngày 7/7/2016 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế TNDN (4 trang)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC, kể từ năm 2015, trường hợp Công ty có dự án đầu tư mở rộng tại khu công nghiệp để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển, đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC và Điều 4 Thông tư 21/2016/TT-BTC thì phần thu nhập từ dự án này được miễn thuế TNDN trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Thời điểm được áp dụng ưu đãi là thời điểm cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Trường hợp trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu Công ty thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phải xác định riêng thu nhập từ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển để hưởng ưu đãi thuế.
3. Chi nhánh doanh nghiệp FDI có bắt buộc kiểm toán BCTC?
Công văn số 49004/CT-HTr ngày 25/7/2016 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế (4 trang)
Theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp FDI) có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Theo đó, trường hợp Công ty có mua hàng hóa, dịch vụ nằm ngoài ngành nghề đăng ký kinh doanh. của Nhà cung cấp, nếu không thuộc diện bị cấm kinh doanh và đáp ứng điều kiện hạch toán quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì Công ty vẫn được tính vào chi phí hợp lý.
Về kiểm toán BCTC, theo hướng dẫn tại Công văn 1339/BTC-CĐKT ngày 24/1/2014, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng bắt buộc kiểm toán BCTC. Theo đó, trường hợp Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có thành lập Chi nhánh và Công ty con hạch toán độc lập, nếu Chi nhánh và Công ty con được xác định là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 67/2014/QH13 thì bắt buộc kiểm toán BCTC./.
Nội dung trên đây chỉ mang tính chất thông tin, không phải là ý kiến tư vấn của Lê Nguyễn và Lê Nguyễn không chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp. Đối với từng trường hợp cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Lê Nguyễn để được giải đáp.