Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại
Nghị định quy định về căn cứ, thủ tục điều tra, chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Điều 8 Nghị định này, kể từ khi có quyết định điều tra đến khi kết thúc điều tra vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công thương có thể áp dụng biện pháp bắt buộc khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra để thực hiện giám sát.
Về nguyên tắc, Bộ Công thương sẽ xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số hàng hóa trên nguyên tắc không làm giảm hiệu quả tổng thể của biện pháp phòng vệ. Tuy nhiên, các bên liên quan không chịu hợp tác điều tra sẽ không được xem xét miễn trừ.
Ngoài ra, theo Điều 73 Nghị định này, phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể mở rộng đối với các hàng hóa có dấu hiệu lẫn tránh, như: hàng hóa có khác biệt không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ; hàng xuất xứ từ nước thứ ba nhưng có sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ; hàng bị áp dụng phòng vệ thương mại được chuyển tải thông qua nước thứ ba….
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018 và thay thế các văn bản sau:
– Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 08/12/2003;
– Nghị định số 89/2005/NĐ-CP ngày 11/07/2005;
– Nghị định số 90/2005/NĐ-CP1 ngày 11/07/2005;
– Nghị định số 04/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006.
Theo Điều 67 Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể./.