Hướng dẫn mới về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự được quy định tại Thông tư Liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp – Bộ Ngoại giao – Tòa án Nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
So với quy định cũ, Thông tư này có mở rộng thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài. Theo đó, ngoài Tòa án thì Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án dân sự cũng được quyền yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài (Điều 10).
Về chi phí yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài, Điều 7 Thông tư này quy định rõ, trường hợp chưa xác định được chi phí thực tế tại thời điểm nộp hồ sơ thì người có nghĩa vụ nộp chi phí ủy thác phải tạm ứng 3 triệu đồng tại cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam có trụ sở. Số tiền tạm ứng này được thanh toán cho chi phí thực tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.
Thông tư liên tịch hướng dẫn mới về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/12/2016 và thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011./.
* Thông tin thêm
Theo Điều 10 Luật tương trợ tư pháp số 08/2007/QH12, phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm:
1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự;
2. Triệu tập người làm chứng, người giám định;
3. Thu thập, cung cấp chứng cứ;
4. Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
Trên đây là nội dung hướng dẫn mới về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng liên hệ Lê Nguyễn để được hỗ trợ một cách tốt nhất.