Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng
Thông tư quy định chi tiết về việc phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn xây dựng được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015.
“Chất thải rắn xây dựng” được hiểu là chất thải rắn phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình (bao gồm công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ) (khoản 1 Điều 2).
Theo đó, chất thải rắn xây dựng phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh thành các loại sau đây và lưu giữ riêng: (i) có khả năng tái chế được; (ii) có thể được tái sử dụng ngay trên công trường; (iii) không tái chế, tái sử dụng được phải đem đi chôn lấp; (iv) Chất thải nguy hại (khoản 1 Điều 5).
Sau đó, phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng (khoản 1 Điều 7).
Việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng được thực hiện theo các mục đích như sau (khoản 4 Điều 9):
– Nếu là chất thải dạng bê tông và gạch vụn, được tái chế thành cốt liệu thô, vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền hoặc san nền;
– Nếu là gỗ, giấy chủ yếu được tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ và nhiên liệu đốt;
– Nếu là vật liệu hỗn hợp nhựa đường, có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu);
– Nếu là thép và các vật liệu kim loại khác, có thể trực tiếp tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho ngành luyện kim;
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017./.