1. Thời điểm nhập cảnh để được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 159 và Khoản 3, Điều 160 của Luật Nhà ở 2014 thì cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Khoản 7, Điều 26 Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.

Như vậy, thời điểm nhập cảnh của cá nhân nước ngoài để được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán nhà ở; trường hợp cá nhân nước ngoài mua nhà ở tự nguyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì cũng phải nhập cảnh vào Việt Nam để làm các thủ tục này.

2. Quyền mua nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở thì: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 7 của Nghị định này và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì giải quyết theo quy định tại Điều 78 của Nghị định này”.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại hoặc của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này trước khi hết hạn sở hữu nhà ở.

3. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

Trước mắt khi chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện thì Bộ xây dựng đã ban hành Công văn số 1436/BXD-QLN gửi các cơ quan ban ngành, về thực hiện luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh bất động sản 2014 theo đó “Các quy định về đối tượng, điều kiện được sở hữu, thời hạn sở hữu, số lượng, loại nhà, khu vực được sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở, trình tự, thủ tục mua bán, thuê mua nhà ở thương mại của tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Đối với trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.”

Các quy định hiện nay về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà được thực hiện theo luật đất đai 2013 được hướng dẫn thực hiện theo Điều 8, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 05 năm 2014 theo đó Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu gồm có:


a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;

b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;

c) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);

d) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08/ĐK;

đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

e) Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì ngoài giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và d Khoản này phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

g) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

Bên cạnh những hồ sơ tài liệu nêu trên thì bạn cần phải lập hợp đồng mua bán nhà theo đúng quy định.

4. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận

Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở công trình khác gắn liền với đất theo quy định chung thì đối với cá nhân, hộ gia đình thì thuộc UBND cấp quận huyện./.